Khám phá công nghệ sạc pin nhanh cho smartphone hiện nay

Ngoài việc tăng dung lượng pin, công nghệ sạc pin nhanh cũng là đề tài được khá nhiều người dùng quan tâm.
Khi màn hình và cấu hình của smartphone ngày càng được nâng cao, thời lượng pin lại là bài toán khó được đặt ra đối với những nhà sản xuất. Đa số giải quyết vấn đề bằng cách gia tăng thời lượng pin và tinh chỉnh phần mềm để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc sở hữu viên pin có dung lượng lớn hơn sẽ đòi hỏi thời gian sạc lâu hơn trước và đây không phải là một cải tiến phù hợp với những người bận rộn.
Để giải quyết vấn đề trên, các hãng sản xuất đã đưa ra vô số các phải pháp sạc pin nhanh và hiệu quả. Vậy đằng sau những công nghệ đó là gì, mời bạn đọc cùng điểm lại những công nghệ sạc pin siêu tốc cho smartphone hiện nay.

1. Sạc pin siêu tốc với công nghệ Graphene

Các nhà nghiên cứu vừa tiết lộ về loại pin thế hệ mới phục vụ cho thiết bị di động và có thể cho cả xe hơi điện, pin được nạp đầy nhanh chóng trong vòng vài giây. Được gọi là siêu tụ điện dựa trên cấu trúc vi mô graphene, các thiết bị có thể sạc và xả pin nhanh hơn hàng trăm đến hàng ngàn lần so với pin thông thường. Được tạo thành từ một lớp nguyên tử carbon, loại pin này do vậy không chỉ dễ sản xuất mà còn dễ tích hợp vào các thiết bị điện tử, thậm chí nhờ nhỏ nhẹ như vậy nên các dòng điện thoại di động có thể được thu gọn hơn.
Để phát triển siêu tụ điện mới các nhà nghiên cứu đã sử dụng phiến carbon hai chiều thường được biết với tên graphene và chiều thứ ba chỉ dày bằng một nguyên tử. Điều thú vị là nhóm nghiên cứu tìm thấy phương cách sản xuất loại pin mới dễ dàng khi sử dụng kĩ thuật của một ổ ghi đĩa DVD tiêu chuẩn.
Theo phương pháp cũ, để có được sản phẩm siêu tụ điện vi mô phải sử dụng đến kĩ thuật in thạch bản vừa chậm vừa tốn kém. Thay vào đó nhóm nghiên cứu đã dùng đầu ghi DVD LightScribe để tạographene cho siêu tụ điện trên diện rộng với chi phí thấp. Nhờ kĩ thuật mới này người ta có thể làm ra hơn 100 vi tụ điện trên một đĩa đơn với thời gian chỉ 30 phút và đó là loại vật liệu rẻ tiền. Theo đó, hiệu quả của một pin siêu tụ điện lệ thuộc vào việc tách hai điện cực, định vị sao cho tối đa hóa bề mặt giữa chúng, qua đó giúp chúng lưu trữ năng lượng tốt hơn.

2. Công nghệ Quick Charge của Qualcomm

Trước đây, Qualcomm đã từng đưa công nghệ Quick Charge 1.0 giúp sạc pin nhanh cho một số các smartphone và tablet mới. Theo Qualcomm, một chiếc điện thoại với Qualcomm Quick Charge 1.0 có thể sạc nhanh hơn tối đa 40% so với những mẫu điện thoại cũ. Thêm vào đó, Quick Charge 1.0 được áp dụng lên phương thức sạc qua cổng USB, do đó người dùng không cần cáp hay đồ sạc đặc biệt để tận dụng lợi thế của công nghệ này.
Ảnh
Mới đây, Qualcomm lại tiếp tục cho ra mắt công nghệ Quick Charge 2.0 để mang lại khả năng sạc smartphone, tablet nhanh hơn 75% so với những thiết bị không dùng Quick Charge. Theo thử nghiệm của hãng, các máy tính bảng bình thường cần hơn 7 giờ để nạp đầy pin, trong khi những tablet có giải pháp Quick Charge 2.0 thì chỉ cần ít hơn 3 giờ. Quick Charge 2.0 sẽ có mặt dưới dạng một con IC riêng biệt hoặc tích hợp bên trong mạch quản lí năng lượng của vi xử lí Snapdragon 800. Ngoài ra, trong bộ sạc mà chúng ta gắn vào ổ điện cũng sẽ có mặt Quick Charge 2.0.
Hãng cũng cho biết thêm rằng các thiết bị Quick Charge 2.0 có thể dùng với với bộ sạc Quick Charge 1.0, tuy nhiên tốc độ nạp năng lượng sẽ bị giảm xuống. Trong trường hợp máy 1.0 dùng với bộ sạc 2.0, bộ sạc chỉ cung cấp đúng công suất và điện áp mà thiết bị 1.0 cho phép nên vẫn đảm bảo an toàn. Nói tóm lại, Quick Charge có khả năng tương thích ngược và tương thích tới, tương tự như giao tiếp USB vậy.

3. Giải pháp sạc pin siêu nhanh: LithiumCard

Hãng LinearFlux mới đây vừa giới thiệu một chiếc sạc pin ngoài thú vị dành cho smartphone và các thiết bị di động khác mang tên LithiumCard. Thiết bị này có kích thước tương đương với 1 chiếc thẻ tín dụng nhưng lại dày hơn khá nhiều. Mặc dù vậy, LithiumCard vẫn đủ nhỏ gọn để có thể nhét vào ví. Chiếc sạc ngoài này có dung lượng pin 1.200 mAh và được trang bị công nghệ riêng có thể sạc pin nhanh hơn so với các sạc dự phòng khác trên thị trường.
Ảnh
Theo đó, hãng này áp dụng công nghệ sạc HyperFET để tính toán phương án sạc tối ưu cho thiết bị di động, cho phép tăng thêm 1% pin chỉ trong 1 phút. Ngoài ra, LithiumCard hỗ trợ sạc cho cả thiết bị Android và iOS, đồng thời bên trong còn có dây sạc tích hợp có thể dấu gọn gàng vào bên trong khi không sử dụng.
Để mở rộng dự án trên, LinearFlux kêu gọi góp vốn để thương mại hóa LithiumCard trên trang Indiegogo, và họ đã thu về được số tiền cao hơn gấp 5 lần so với kì vọng ban đầu. Bởi vậy nhiều khả năng sản phẩm này sẽ được bán ra trong thời gian tới.

4. Chế độ sạc pin nhanh trên Samsung Galaxy S5

Như bạn đọc đã biết, Galaxy S5 của Samsung được trang bị viên pin dung lượng 2.800 mAh cho thời lượng pin cao và chế độ tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Không những thế, tốc độ sạc pin của smartphone bom tấn này thậm chí cũng sẽ nhanh hơn so với người tiền nhiệm Galaxy S4. Nếu như người dùng mất khoảng 2 giờ 30 phút để sạc đầy năng lượng cho Galaxy S4 thì với Galaxy S5, khoảng thời gian này sẽ kéo dài chưa tới 2 tiếng đồng hồ.
Ảnh
Theo một đoạn quảng cáo của Samsung, thời lượng pin của Galaxy S5 ở mức độ vượt trội so với các siêu phẩm khác với 10 giờ lướt Web, 12 giờ xem phim và khoảng thời gian lên đến 21 giờ đàm thoại.
Cụ thể, loại pin mà S5 sử dụng là một loại pin Lithium Ion hoàn toàn mới có khả năng lưu được điện nhiều hơn 20% so với pin cùng cỡ ở Galaxy S4. Hơn nữa, nó còn được tích hợp công nghệ sạc nhanh, cho phép nạp đầy điện thoại trong vòng chưa đến 2 giờ.

5. Smartphone Fujitsu sạc pin 10 phút đủ dùng cả ngày

Cách đây không lâu, hãng điện tử Nhật Bản Fujitsu đã chính thức giới thiệu mẫu smartphone mới mang tên Arrows A301F. Các công ty Nhật luôn khiến chúng ta phải bất ngờ về những công nghệ mới của họ và Arrows A301F cũng như vậy. Theo Fujitsu, A301F sẽ có thời lượng pin khoảng hơn 2 ngày dùng với cường độ sử dụng trung bình nhưng điều đặc biệt là người dùng có thể sạc nhanh máy trong 10 phút mà vẫn có thể đủ dùng khoảng 1 ngày.
Ảnh
Để làm được điều này, nhiều khả năng, người dùng sẽ phải cần tới một bộ AC adapter công suất cao đủ giúp sạc smartphone chỉ trong thời gian thưởng thức một tách cà phê. Về mặt cấu hình phần cứng, Arrows A301F sẽ được trang bị vi xử lí lõi tứ Snapdragon 800 tốc độ 2,2 GHz cùng 2 GB RAM và màn hình 5 inch độ phân giải Full HD. Ngoài ra, máy còn sở hữu camera sau 13 megapixel và nguồn pin dung lượng 2.600 mAh.

Oppo Find 7 sạc pin nhanh và an toàn

Nhận thấy những đối tượng người dùng này thường chỉ tranh thủ cắm sạc một thời gian ngắn để di chuyển, Oppo đã phát triển công nghệ sạc nhanh VOOC giúp cho chiếc Find 7 có thể hoạt động lâu chỉ sau những lần sạc "chớp nhoáng". Nhờ sử dụng công nghệ VOOC, Oppo Find 7 chỉ cần 30 phút để sạc đầy 75% pin và 80 phút để đầy hoàn toàn, nhanh gấp 5 lần so với chiếc smartphone thông thường.
Ảnh
Trên lí thuyết, để đẩy nhanh tốc độ sạc, nhà sản xuất có thể gia tăng điện áp lên 9V hoặc 12V. Tuy nhiên, cách làm này khiến máy bị nóng, hiệu quả sạc thấp, độ an toàn không được đảm bảo. Nếu tăng cường độ dòng điện lên 6A hoặc cao hơn, thiết bị cũng dễ gặp sự cố. Để làm được điều này, Oppo đã tạo ra một "chuỗi" bao gồm viên pin chuyên dụng dùng cho Find 7, cáp USB, mạch và cổng kết nối 7 chân. Hiện tại, các smartphone thông thường chỉ dùng cổng microUSB 5 chân.
Bên cạnh đó, adapter cũng được tích hợp bộ điều khiển MCU giúp kiểm soát thông minh dòng điện vào máy, giải quyết vấn đề tỏa nhiệt khi sạc. Theo Oppo, công nghệ sạc nhanh VOOC tích hợp trên Find 7 có đến 5 cấp độ bảo vệ. Với dung lượng pin 3000 mAh, Find 7 chỉ cần sạc trong 5 phút là có thể thực hiện cuộc gọi lên đến 2 giờ, sạc trong 15 phút sẽ sử dụng thêm được 6 tiếng và sạc đầy 100% pin chỉ trong 80 phút trong khi với những điện thoại thông thường, thời gian sạc đầy có thể lên đến vài tiếng.
Theo Genk

VN-Zone - Tin nhanh công nghệ
Previous
Next Post »